• Sức sống dẻo dai

    ArtisBamboofores 
    Tâm tịnh đời vui

  • Chuyên mục

  • Lịch

    Tháng Một 2014
    H B T N S B C
     12345
    6789101112
    13141516171819
    20212223242526
    2728293031  
  • Lưu trữ

  • Huyễn hóa hư vọng

  • Lời hay ý đẹp

    Không làm các việc ác

    Vâng làm các việc lành

    Giữ tâm ý trong sạch

    Đó là lời Phật dạy.

  • Tương tác

  • Khách thăm nhà

  • Tâm Thiện

    wwf 

    natureconservancy

  • Sắc màu cuộc sống

    Xa Loi Dau 7 Mau - Phat Thich Ca

  • Ngũ uẩn giai không

    • 306 986 hits

Dung hòa và nhịp nhàng

dunghoavanhipnhangHãy nhìn đời như một ly cocktail

Cuộc sống ngon lành như một ly cocktail vậy, đấy là khi bạn biết pha chế và thưởng thức nó.

1. Không có điều gì trong cuộc sống mà không hàm chứa trong đó những bài học. Có lúc bạn sẽ vô cùng thích thú nhưng cũng có lúc bạn sẽ thấy chán phèo và có những bài học khiến bạn đau. Nhưng hãy hiểu rằng điều quan trọng là bạn rút ra được gì sau những bài học đó.

2. ”Kia” không bao giờ tốt bằng “đây”. Khi những cái “kia” trở thành cái “đây” của bạn, bạn sẽ dễ dàng để mắt tới những cái “kia” khác vì nghĩ rằng nó có vẻ tốt hơn cái “đây” bạn đang có. Nên học cách bằng lòng với chính mình vì đôi khi thực chất những cái “kia” không thể bằng những cái “đây” được.

3. Tự bạn sẽ quyết định cuộc sống của mình. Bạn sẽ có những công cụ và nguyên liệu cần thiết nhưng pha chế nó như thế nào là nhờ chính đôi tay, trái tim, và khối óc của bạn. Vì vậy đừng trông chờ vào may mắn mà hãy chú ý đến chính bản thân mình đi.

4. Bạn sẽ quên tất cả những điều tôi nói ở trên. Thật đấy, cũng không cần thiết phải nhớ quá nhiều như vậy. Hãy cứ nhìn đời như một ly cocktail đủ mọi hương vị, và màu sắc. Chua vẫn có thể làm cho ngọt. Ngọt vẫn có thể làm cho đằm. Không một bartender nào có thể pha một ly cocktail thật tuyệt ngay từ lần đầu tiên. Và chắc chắn là bạn sẽ luôn có đủ nghị lực, niềm tin, và lạc quan để pha ly cocktail cho mình chứ.

————

Có bao chuyện bất ngờ có thể xảy đến vào bất kỳ lúc nào, và thái độ, cách hành xử của chúng ta khi đó sẽ ra sao. Ắt hẳn là sẽ có hai cách thức khác nhau, một là chúng ta sẽ ra sức bảo vệ lợi ích của bản thân mình, không để người khác làm tổn hại đến danh dự, và lợi lạc mà chúng ta đang có, hoặc là chúng ta sẽ lãng tránh, cố tình phớt lờ sự việc đang diễn ra. Nhưng khi chúng ta rơi vào tình cảnh mà người chẳng nói lý lẽ, chẳng chịu lắng nghe chúng ta giải bày để làm sáng tỏ khúc mắc với nhau, hay khi sự việc thuộc vào dạng tình ngay lý gian thì có lẽ là mọi ngôn từ dù có đúng đắn đến thế nào đi nữa cũng khó mà hóa giải được tình thế. Còn với trường hợp chúng ta cố tình lãng tránh sự việc thì ắt hẳn là vẫn còn đó những nỗi niềm bức bối lẩn khuất trong tâm tư của cả ta và người, mà có thể bùng phát lên vào bất kỳ lúc nào, và gây ra những tổn hại thật khôn lường. Vậy thì làm sao để cả hai bên đều có được sự an ổn trong tâm hồn, có lẽ là chúng ta nên dung hòa giữa lý trí và tình cảm để giải quyết sự việc. Chúng ta có thể nhìn nhận sự việc xảy đến là đều có nhân quả của nó, để từ đó, chúng ta phát khởi lên ý nghĩ, lời nói, và hành động thiện lành, đem đến lợi ích về lâu dài cho cả chúng ta và người.

Giả dụ như vào một buổi sớm mai với khí trời trong lành, và mát mẻ, chúng ta vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngon lành, với một tâm hồn sảng khoái, và đầy tràn sức sống, chúng ta bắt đầu dạo bước quanh khu phố để luyện tập cho cơ thể và tinh thần mình được khỏe mạnh, được minh mẫn để có thể hoàn thành tốt mọi việc sắp đến trong ngày. Đang ung dung, thong thả như thế, đang đắm mình tận hưởng bầu không khí tươi mới của một ngày đẹp trời như thế, thì bỗng dưng, một tiếng chửi rủa vang lên, kêu thẳng tên của chúng ta ra mà chửi mà mắng, quay lại nhìn, thì thấy ngay một con người lỗ mãng xa lạ, không quen không biết nào đó đang đi sau lưng chúng ta, và thản nhiên thốt lên những tiếng lời chẳng lấy gì làm hay ho. Mọi người xung quanh cũng bắt đầu tò mò, chỉ trỏ, hướng ánh nhìn soi mói về phía chúng ta. Khi đó, phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào trước sự tình trái khuấy, và có phần ngang tàn như thế phát khởi ra từ nơi một người chúng ta chưa từng quen biết đang làm tổn hại đến danh dự, và nhân phẩm của mình. Có lẽ là chúng ta sẽ nổi lên cơn sân hận, mà lao vào đáp trả lại, người chửi ta, ta cũng sẵn đủ ngôn từ mà chửi lại, đời ăn miếng trả miếng thế thôi, có gì mà phải chần chừ nghĩ suy cho cục tức càng thêm to tướng. Nhưng lạ thay, khi chúng ta càng ra sức dùng mọi ngôn từ có thể nghĩ đến ngay lúc đó mà mắng chửi lại người, người lại càng thinh lặng, rồi thì phá lên một tràn cười, và thản nhiên quay bước đi, để lại một mình ta đứng giữa bao ánh nhìn ái ngại. Vậy là sao. Vậy có nghĩa là chúng ta đã rơi vào bẫy của người rồi, bao công sức gầy dựng nên hình ảnh thân thiện của chúng ta với bà con hàng xóm xung quanh nay đã tan tành mây khói, chúng ta, ngay giây phút này đây, hiện lên rõ ràng hình ảnh của một con người thô lỗ, và đầy dung tục, thật là một sai lầm đáng tiếc thay, đó là còn chưa nói đến một buổi sáng trong lành, và tươi mới cũng đã tiêu tùng theo cùng với thái độ, và cách hành xử không nghĩ suy kỹ càng của chúng ta.

Vậy thì, nếu như có thể quay ngược lại thời gian mà đổi thay cách hành xử, chúng ta lúc đó nên có phản ứng như thế nào sao cho cả ta và người đều được an ổn. Có lẽ rằng, chúng ta nên khởi lên ý nghĩ về nhân quả báo ứng. Rằng thì trong quá khứ, có thể chúng ta đã tạo lỗi lầm gì đó với người, đã mắng chửi thế nào đó mà làm tổn hại đến danh dự, và nhân phẩm của người, thì nay, chúng ta bị một người khác gọi tên ra mà chửi mà rủa, âu cũng là tới lúc chúng ta phải trả nợ cũ vậy, không thể trốn tránh. Với ý nghĩ như thế, chúng ta sẽ có thể tiếp tục bình thản mà dạo bước quanh khu phố, còn người thì vẫn đi theo sau chúng ta mà mắng chửi, nhưng chúng ta không chửi lại, một là vì không muốn bản thân mình tạo thêm nghiệp chướng, hai là vì không muốn làm cho người càng nổi lên cơn sân hận, mà làm cho tội lỗi của người càng thêm sâu dày. Cứ thế, người chửi thì cứ chửi, chúng ta đi tập thể dục buổi sáng thì vẫn cứ thản nhiên mà tập luyện, người chửi đến mỏi mệt rồi thì người cũng sẽ dừng lại, trong khi chúng ta đó, vẫn giữ được sự an ổn phần nào trong tâm hồn mình. Nhưng nếu có thể, chúng ta có lẽ là nên khởi lên lòng thương cảm đối với người, bởi nghe qua những tiếng lời đầy phẫn nộ, đầy bực tức của người nhằm vào chúng ta như thế thì ắt hẳn là nơi tâm tư người đang có một sự mất thăng bằng, đang rất đỗi bị kích động, tựa như một người bị bệnh tâm thần mà bất thình lình gặp chúng ta rồi cất tiếng chửi, khi đó, chúng ta nào có nổi lên cơn sân hận với người điên đảo đó, mà chỉ một ý nghĩ thương cảm thay cho người khởi lên trong chúng ta, vậy thì với người đang đi theo sau chúng ta mà ra sức mắng chửi mình, chúng ta cũng nên khởi lên niềm thương cảm như thế. Để rồi, từ tấm lòng chân thành đó, chúng ta sẽ có thể tiến đến, giáp mặt với người, hỏi cho ra lẽ ngọn nguồn của sự tình vì sao người lại có thái độ, hành xử lỗ mãng với chúng ta như vậy. Nếu như người chịu nói lý lẽ thì khi đó, chúng ta và người sẽ có thể lần hồi từng bước tháo gỡ những khúc mắc trong tâm tư, để cả ta và người đều sẽ cảm thấy lắng dịu lại mà đối đãi với nhau một cách văn minh, và thiện lương hơn. Nhưng nếu như người vẫn cố chấp, không chịu nghe chúng ta giải bày, thì có lẽ là khi đó, chúng ta chỉ còn biết thinh lặng và quay lưng bước đi.

Với thái độ, và cách hành xử đúng đắn như vậy, chúng ta vẫn sẽ có thể trải qua một buổi sáng đẹp trời, với một tâm thái an nhiên, và thanh thản, để sau đó, dù bắt tay vào làm công việc, hay đang trong một lớp học, chúng ta cũng sẽ cảm thấy hưng phấn, và tràn đầy năng lượng. Nhưng nếu như, khi đó, chúng ta lại rơi vào một tình huống gian khó thì phản ứng của chúng sẽ nên như thế nào để có thể tiếp tục giữ cho tâm hồn mình được yên ổn. Giả dụ như chúng ta đang trong một lớp học, đang làm một bài kiểm tra với một tâm thế rất đỗi hăng say, và có phần thích thú khi lần hồi chúng ta hoàn thành từng câu hỏi mà bài kiểm tra đề ra. Và, bất thình lình, giáo viên đi đến bên cạnh chúng ta, cất tiếng nói: "Em đang quay cóp à, dừng lại ngay, em bị tịch thu bài!". Khi đó, thật là rất đỗi bàng hoàng, và ngỡ ngàng thay, chúng ta nào có quay cóp, sao giáo viên lại nói như vậy, nhưng rồi, khi nhìn vào ngăn bàn, quyển vở đang để mở ra đó, là bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi cho cái tội quay cóp trong giờ kiểm tra của chúng ta. Thật là tình ngay, mà lý lại gian, chúng ta không có ý định quay cóp, chỉ là đã quên đóng quyển vở lại trước khi làm bài kiểm tra, để giờ đây, đối trước tiếng lời quở trách của giáo viên chúng ta chẳng thể nào giải bày cho rõ ràng. Nếu như chúng ta vẫn cố gắng dùng mọi lý lẽ thuyết phục giáo viên rằng chúng ta không cố tình quay cóp thì có lẽ là không chỉ làm ảnh hưởng đến bầukhông khí yên ắng rất cần thiết để các bạn học của mình hoàn thành bài kiểm tra, mà còn làm tổn hại đến mối quan hệ về lâu dài giữa chúng ta với giáo viên, chúng ta rất có thể sẽ bị gán thêm tội ăn nói ngang ngược, không lễ phép với giáo viên khi cứ một hai tranh cãi mà không chịu chấp nhận lỗi lầm của mình. Nếu mà tình cảnh diễn ra đến mức độ như vậy thì thật là không nên một chút nào trong tâm tưởng của chúng ta hiện lên ý muốn biện hộ cho bằng được lẽ thật về mình, dù rằng chúng ta có đúng đi chăng nữa nhưng đây lại là sự việc thuộc vào dạng tình ngay lý gian thì quả thật là nan giải thay.

Nan giải nhưng không có nghĩa là không thể giải quyết một cách ổn thỏa. Có lẽ là khi đó, chúng ta một lần nữa nên khởi lên ý nghĩ về nhân quả báo ứng. Rằng thì vào thuở quá khứ, có thể chúng ta cũng từng vu oan giá họa cho ai đó, đã từng làm cho người ta phải khổ sơ kêu oan nhưng chẳng thể như ý, thì nay, chúng ta rơi vào tình cảnh oan ức như thế đó, tình cảnh chúng ta chỉ vì quên đóng quyển vở lại trước giờ kiểm tra để rồi phải bị giáo viên tịch thu bài, âu cũng là lúc chúng ta trả nợ cũ. Với ý nghĩ như vậy, chúng ta sẽ có thể bình thản mà chấp nhận giao nộp bài kiểm tra còn đang dang dở của mình, chấp nhận mà viết bảng kiểm điểm, và sẵn sàng nói lên một tiếng "Em xin lỗi!", dù rằng giáo viên nghe qua có thể cảm thấy chói tai đi chăng nữa, và có thể đáp trả lại rằng "Đừng có mong tôi giảm tội cho đấy!", nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục cất lên tiếng lời xin lỗi một cách nhẹ nhàng như thế. Chúng ta xin lỗi, tất nhiên là cũng có một phần lỗi do chúng ta đã quên không làm theo lời nhắc nhở phải đóng hết tất cả sách vở lại trước khi làm bài kiểm tra, nhưng lỗi lầm thật sự, lỗi quay cóp trong giờ kiểm tra như giáo viên những tưởng thì chúng ta rõ là không cố ý phạm phải, nên lời xin lỗi mà chúng ta cất lên đó phần lớn là vì muốn giữ cho mối quan hệ giữa chúng ta với người thầy, người cô mình vẫn được diễn ra một cách tốt đẹp, lành an về lâu về dài. Chỉ đơn giản một ý nghĩ như vậy thôi, mà cũng thật là yên ổn thay cho tâm hồn chúng ta, không phải rơi vào tình cảnh bị kết thêm tội cãi vã không lễ phép với giáo viên, không phải bị chúng bạn trách cứ vì đã làm ồn ào trong giờ kiểm tra. Và rồi, việc gì đến sẽ đến, ngày tổng kết kết quả học tập của một học kỳ lại đến, chúng ta khi đó đinh ninh trong lòng rằng mình sẽ bị điểm phẩy thấp đây, âu cũng là nhân quả vậy, không có gì phải buồn phiền, nhưng lạ thay, điểm phẩy của chúng ta vẫn không bị ảnh hưởng bởi con số không tròn trĩnh mà chúng ta những tưởng sẽ bị nhận ở bài kiểm tra khi trước, nhưng sự thật thì giáo viên đã không tính điểm số đó vào kết quả tổng kết. Như vậy là sao. Có lẽ là, chính nhờ vào thái độ thiện lành của chúng ta với một tiếng xin lỗi cất lên vào thuở trước mà giáo viên đã bỏ qua cho chúng ta. Đây quả là một câu chuyện có thật đã từng xảy ra rất cần được ghi lại ở đây như một lời nhắn nhủ mọi người chúng ta về cách hành xử sao cho đúng đắn, lợi cả mình và người.

Vậy là, khi lý trí khởi lên ý niệm về lẽ nhân quả chi phối tất cả mọi sự vật hiện tượng trong đời sống, thì khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong lòng trước những việc bất như ý xảy đến với mình, chúng ta sẽ không vội vàng nổi lên cơn sân hận mà làm tổn hại đến hình ảnh thân thiện mà mình đang ra sức tạo dựng, chúng ta sẽ không cảm thấy bị bức bối trong người vì rơi vào cảnh tình ngay lý gian, phải chịu thiệt hại về phía mình mà chẳng thể dùng lý lẽ để giải bày sự việc cho rõ ràng. Và song song với lý trí như thế, khi tình cảm khởi lên với một sự cảm thông dành cho người đang chửi mắng, nhục mạ mình, một con người mà tâm tư ắt hẳn phải đang mất thăng bằng, đang rất đỗi điên đảo mới thốt nên những tiếng lời dung tục, và lỗ mãng, chúng ta sẽ có thể bình thản mà tiến đến cùng người giải bày mọi khúc mắc, khi tình cảm khởi lên với mong muốn cả người và mình đều sẽ có thể tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp về lâu về dài, chúng ta mới có thể dễ dàng nói lên hai tiếng xin lỗi đối với người, chúng ta xin lỗi không phải vì chúng ta đã phạm vào lỗi lầm lớn, mà là vì chúng ta vẫn muốn tiếp tục được chuyện trò, được học hỏi những điều hay lẽ phải với người. Rõ là, khi lý trí và tình cảm có được một sự dung hòa, và nhịp nhàng như thế, thì mọi ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta khi đó sẽ đều hướng đến một mục tiêu duy nhất là đem đến sự an ổn, và yên bình cho tất cả mọi chúng hữu tình.

————

Tham khảo: 1001 Câu Chuyện Cảm Động – docs.4share.vn

Ảnh: Internet.

Bình luận về bài viết này